Phản ứng sau phán quyết Philippines kiện Trung Quốc về Tranh chấp chủ quyền Biển Đông

Trung Quốc

  • Tân Hoa xã trích dẫn lời của Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng các quần đảo này đã là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại và Bắc Kinh sẽ không chấp nhận bất kỳ hành động nào dựa trên phán quyết này.[19]
  • Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gọi vụ kiện của Philippines là một "trò hề chính trị đội lốt pháp luật" và biện minh rằng: "Trung Quốc không chấp nhận, không tham gia trọng tài là nhằm bảo vệ nền pháp quyền quốc tế và quy tắc khu vực theo pháp luật".[20]
  • Đại sứ Trung Quốc tại Hà Lan Wu Ken lại nói rằng "hôm nay (12-7) là một ngày thứ ba đen tối cho The Hague" và rằng phán quyết "là một sự sỉ nhục của luật pháp quốc tế".[19]
  • Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Cui Tiankai cho biết phán quyết của tòa PCA phủ nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ "tăng cường xung đột, thậm chí là đối đầu".[19]
  • Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho biết, càng ngày càng có nhiều nhà cung cấp, bán đồ ăn nhẹ trên trang mua sắm taobao.com, tẩy chay việc bán các món ăn nhẹ nhập khẩu từ Philippines sau khi Tòa trọng tài quốc tế phán quyết bất lợi cho Trung Quốc ở Biển Đông.[21]

Philippines

Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay tuyên bố: "Phillipines khẳng định mạnh mẽ rằng, chúng tôi tôn trọng quyết định cột mốc này và xem phán quyết của Tòa trọng tài đóng góp vào những nỗ lực giải quyết tranh chấp ở Biển Đông." [22]

ASEAN

Chủ tịch luân phiên ASEAN 2016, CHDCND Lào tối 13-7 thông báo, dự thảo tuyên bố chung của khối về phán quyết của PCA trong vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc đã không được thông qua do không đạt được đồng thuận.[23]

Việt Nam

Ngày 12/7, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố: "Việt Nam hoan nghênh việc Tòa Trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12-7. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết. Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 5-12-2014 của Bộ Ngoại giao gửi Tòa Trọng tài. Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương. Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".[24][25][26]

Theo hãng tin nhà nước Trung Quốc là Tân Hoa Xã, trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngày 14/7, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á – Âu (ASEM) ở thủ đô của Mông Cổ, ông Lý Khắc Cường, Thủ tướng Trung Quốc, đã kêu gọi Việt Nam 'phối hợp với Trung Quốc cùng bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông' [27] Tuy nhiên, sau đó, đồng loạt giới truyền thông của Việt Nam đều cho rằng hãng tin Tân Hoa Xã đã bóp méo nội dung tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.[28][29][30][31] Theo các cơ quan truyền thông Việt Nam, Thủ tướng Phúc đề nghị Việt Nam và Trung Quốc cùng thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao, trong đó có "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt -Trung" do hai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào thống nhất hồi tháng 10/2011. Theo thỏa thuận, hai bên sẽ thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển sớm có tiến triển thực chất, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình, thực hiện hiệu quả, toàn diện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định lại lập trường của Việt Nam về vụ kiện trọng tài Biển Đông như tuyên bố ngày 12/7 của Bộ Ngoại giao Việt Nam.[32][33][34]

Campuchia

Phản ứng của Campuchia sau khi Tòa ra phán quyết không khác gì trước đó, vẫn là không ra tuyên bố ủng hộ, nhưng cũng không có tuyên bố chính thức phản đối.[35]

Australia

Chính phủ Australia kêu gọi Philippines và Trung Quốc phải tuân theo phán quyết của Tòa trọng tài, vì đó là "phán quyết cuối cùng và ràng buộc đối với cả hai bên".[36]

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày hôm sau cho biết Trung Quốc đã chính thức phản đối những phát ngôn của Australia, gọi chúng là "sai trái" và hy vọng Canberra "không gây tổn hại đến hòa bình và ổn định khu vực".[37]

Mỹ

Wikisource tiếng Việt có toàn văn tác phẩm về:

Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Colin Willett, trong cuộc họp báo qua điện thoại tại trụ sở của Bộ Ngoại giao Mỹ ở thủ đô Washington về chủ đề tranh chấp lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông với phóng viên các nước, tuyên bố: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế không thực hiện những hành vi khiêu khích, hành động cưỡng ép, cố gắng sử dụng vũ lực. Chúng tôi muốn tất cả các bên tôn trọng pháp quyền, luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982".[38] Tuy nhiên Hoa Kỳ là một trong những nước chưa ký Công ước này. (Đầu tháng 6 năm 2016 Tổng thống Barack Obama đã than phiền về vấn đề này, vì muốn Công ước này được thông qua thì phải có sự đồng ý của 2/3 thượng nghị sĩ, nhưng cho tới bây giờ vẫn có một số thuộc Đảng Cộng hòa không đồng ý, vì cho là không có lợi gì cho Mỹ cả).[39]

Liên minh châu Âu

Chủ tịch Liên minh châu Âu Donald Tusk hôm 12/7 tại Hội nghị thượng đỉnh Á – Âu (ASEM) ở thủ đô của Mông Cổ, đã kêu gọi Trung Quốc tôn trọng "trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".[27]

Nga

Ngày 5 tháng 9 năm 2016, trong cuộc họp báo diễn ra ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc sau khi hội nghị G20 kết thúc, tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Nga ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong việc các bên thứ ba không nên tham gia vào việc giải quyết tranh chấp. Đối với phán quyết của Tòa án trọng tài thường trực, Nga không công nhận phán quyết này về mặt pháp lý. Ông Putin khẳng định rằng ông Tập Cận Bình, tổng bí thư Đảng Cộng sản, chủ tịch nước Trung Quốc đương nhiệm, chưa bao giờ đề nghị ông bình luận hay can thiệp gì vào vấn đề Biển Đông. Theo ông Putin vì Trung Quốc không tham dự quá trình tố tụng nên phán quyết của Toà án trọng tài thường trực là không công bằng. Ông Putin nói Nga phản đối các cường quốc bên ngoài can thiệp vào việc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.[40]

Ông Vasily Kashin, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Nghiên cứu Quốc gia Nga ở Mátxcơva (Nga), cho rằng ông Putin ủng hộ lập trường của Trung Quốc về phán quyết của Toà án trọng tài thường trực là vì nó có lợi cho Nga, nước đang có nguy cơ vướng vào một vụ kiện có tính chất tương tự. Hồi tháng 8 năm 2016, Ngoại trưởng Ukraina Pavlo Klimkin cho hay Ukraina đang cân nhắc kiện Nga lên Tòa án trọng tài thường trực để nhờ toà án phân xử về vùng đặc quyền kinh tế trên biển xung quanh bán đảo Crưm.[41]

Liên quan

Philippines Philippines kiện Trung Quốc về Tranh chấp chủ quyền Biển Đông Philippines 2–0 Việt Nam (Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á 2010) Philippines' Next Top Model (mùa 1) Philippines' Next Top Model (mùa 2) Philippines tại Thế vận hội Philippines và quần đảo Trường Sa Philippines tại những đấu trường sắc đẹp lớn nhất thế giới Philippines tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2007 Philippines tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2019

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Philippines kiện Trung Quốc về Tranh chấp chủ quyền Biển Đông http://english.cntv.cn/program/newsupdate/20130719... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/07/1607... http://mobile.bloomberg.com/news/2014-12-12/south-... http://www.gmanetwork.com/news/story/305570/news/n... http://kluwerarbitrationblog.com/blog/2013/08/28/a... http://www.pcacases.com/web/sendAttach/1506 http://www.reuters.com/article/2013/09/27/us-china... http://www.reuters.com/article/2015/07/24/southchi... http://thediplomat.com/2015/10/philippines-v-china... http://www.todayonline.com/commentary/hague-ruling...